Sáng 9/5, theo ứng dụng PAM Air (mạng lưới quan trắc môi trường không khí độc lập đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam phủ rộng tại 63 tỉnh, thành phố của Việt Nam, do Công ty Cổ phần tư vấn và tích hợp công nghệ D&L quản lý), không khí lạnh gây mưa tại Bắc Bộ đã làm giảm các chỉ số ô nhiễm trong không khí. Tuy vậy, Bắc Bộ và Nam Bộ vẫn còn một số điểm đo cho chỉ số chất lượng không khí ở mức có hại cho sức khỏe (151-200).

Chú thích ảnh
Ô nhiễm không khí gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người dân. Ảnh minh họa

Theo đó, điểm đo tại khu vực Bắc Bộ cho chỉ số chất lượng không khí ở mức có hại cho sức khỏe là: Xã Lương Tài (huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên) có chỉ số 155, chỉ số bụi mịn PM 2.5 là 89.7; thôn Đồi Ngô (xã Gia Hòa, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình) có chỉ số 157, chỉ số bụi mịn PM 2.5 là 97.9.

Tại Nam Bộ, các điểm đo cho chỉ số chất lượng không khí ở mức có hại cho sức khỏe gồm: Đường Xô Viết Nghệ Tĩnh (quận Bình Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh) có chỉ số 153, chỉ số bụi mịn PM 2.5 là 96.3; Thư viện xã Thanh Phú (huyện Bến Lức, tỉnh Long An) có chỉ số 161, chỉ số bụi mịn PM 2.5 là 117.7. Mức chất lượng không khí 151-200, tất cả người dân bắt đầu cảm nhận được ảnh hưởng tới sức khỏe. Nhóm người nhạy cảm sẽ chịu ảnh hưởng nặng hơn.

Theo Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), tình trạng ô nhiễm bụi trong không khí tại một số địa phương có diễn biến xấu, đồng thời do ảnh hưởng của các điều kiện thời tiết giao mùa có nhiều biến động bất lợi, chênh lệch ngày, đêm về nhiệt độ, độ ẩm, hướng và tốc độ gió, bức xạ nhiệt… khiến khả năng khuếch tán các chất ô nhiễm trong không khí bị hạn chế, đặc biệt là bụi.

Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường đã có văn bản đề nghị các Sở Tài nguyên và Môi trường các địa phương tập trung nguồn lực tăng cường các biện pháp kiểm soát ô nhiễm bụi trong không khí, đồng thời báo cáo UBND tỉnh, thành phố chỉ đạo tăng cường tần suất quan trắc môi trường không khí liên tục trên địa bàn; công bố kết quả quan trắc chất lượng môi trường không khí trên cổng thông tin điện tử và phương tiện truyền thông của tỉnh, thành phố, đồng thời kết nối về Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Cục cũng đề nghị các địa phương tổ chức kiểm tra, giám sát, yêu cầu các cơ sở sản xuất công nghiệp trên địa bàn thực hiện nghiêm các biện pháp kiểm soát, bảo đảm xử lý khí thải đạt quy chuẩn kỹ thuật về môi trường, đặc biệt là các cơ sở có phát sinh nguồn bụi, khí thải lớn; đôn đốc, giám sát các cơ sở sản xuất thuộc đối tượng phải lắp đặt quan trắc khí thải tự động và truyền dữ liệu về Sở Tài nguyên và Môi trường theo quy định.

UBND cấp huyện, xã và các đơn vị chức năng cần tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân không đốt chất thải rắn, rơm rạ sau thu hoạch để giảm phát sinh khí thải, bụi gây ô nhiễm môi trường; khẩn trương kiểm tra thực tế, xác định và ngăn chặn kịp thời các hoạt động đốt ở trên địa bàn; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường đối với hành vi đốt chất thải rắn sinh hoạt sai quy định.

Các địa phương chỉ đạo các đơn vị chức năng liên quan tổ chức kiểm tra, đôn đốc các chủ dự án, đơn vị quản lý, thi công các công trình xây dựng, giao thông, cải tạo hạ tầng đô thị thực hiện nghiêm các biện pháp ngăn ngừa, giảm thiểu phát tán bụi, khí thải ra môi trường xung quanh (che chắn công trình, phương tiện vận chuyển vật liệu xây dựng, phế thải xây dựng, phun nước, rửa đường, rửa xe ra, vào công trình…).

(TTXVN)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *