Nhà là nơi để ta trở về, để nghỉ ngơi sau một ngày làm việc, học tập mệt nhoài. Để có một không gian sống lý tưởng, ngoài những vật dụng trang trí yêu thích, bạn có thể thổi bừng sức sống cho ngôi nhà của mình những loại cây giúp thanh lọc không khí, bảo vệ sức khỏe dưới đây.

Nghiên cứu cho thấy có một số loại thực vật đặc biệt thích hợp để trồng, trang trí trong không gian ngôi nhà của bạn. Cây xương rồng, kim ngân, cây lưỡi hổ… đều là những giống cây có khả năng hấp thụ độc tố có hại trong không khí. Những loại cây này có chức năng như máy lọc không khí tự nhiên và tạo nên độ ẩm thích hợp giúp duy trì nhiệt độ bình ổn, mát mẻ. Ngoài ra, trang trí không gian sống bằng cây xanh còn giúp cải thiện sức khỏe tinh thần, tăng hiệu suất làm việc, cũng như khơi dậy khả năng sáng tạo cho gia chủ. Nếu bạn còn đang phân vân giữa vô vàn giống cây khác nhau, ELLE mời bạn tham khảo những loài cây hữu ích cho cuộc sống được NASA gợi ý nhé.

1. CỎ LAN CHI

Với những chiếc lá màu xanh thuôn dài, có sọc trắng, cỏ lan chi (hay cây chân nhện) sẽ mang đến vẻ đẹp tự nhiên cho phòng khách của bạn. Bạn có thể trồng cỏ lan chi trong những chiếc chậu, giỏ treo trên trần nhà, trong phòng tắm… để lá cây rủ xuống tạo hiệu ứng đẹp mắt cho không gian. Cỏ lan chi có tác dụng loại bỏ những chất hóa học như carbon monoxide, benzen, formaldehyde, xylene và toluene có trong sơn tường, vải tổng hợp. Đây là loài cây khỏe mạnh, dễ chăm sóc. Một cây cỏ lan chi có thể phát triển tốt trong không gian có độ ẩm cao, nhiệt độ từ 13 đến 27 độ C và không cần quá nhiều ánh sáng trực tiếp. Ngoài ra, điều thú vị là vào mùa Hè, cây cỏ lan chi sẽ nở ra những bông hoa nhỏ, màu trắng, tạo nên điểm nhấn cho ngôi nhà của bạn. Cỏ lan chi cũng rất thân thiện với vật nuôi, vì thế, đừng lo lắng nếu thú cưng của bạn có bất cẩn gặm nhấm một chút nhé.

Cỏ lan chi (cây chân nhện) có khả năng thanh lọc không khí

Cỏ lan chi (cây chân nhện) có khả năng thanh lọc không khí

2. CÂY TRƯỜNG SINH

Cây trường sinh là một trong số những giống cây được ưa chuộng nhất để trang trí nội thất, tăng thêm sức sống, sự năng động cho không gian. Loài cây này có tán lá to sẫm màu, bóng, dày, thân cây có nhiều kích cỡ, chiều cao để phù hợp với nhiều không gian sống. Cây trường sinh có thể lọc các chất độc như formaldehyde, carbon monoxide và trichloroethylene, loại bỏ nấm mốc, vi khuẩn, từ đó nâng cao chất lượng không khí trong nhà. Để chăm sóc một cây trường sinh khỏe mạnh, bạn không nên đặt chúng trực tiếp dưới ánh mặt trời và giữ nhiệt độ trong khoảng từ 15 đến 25 độ C. Hãy tưới nước thường xuyên để giữ ẩm cho đất. Có thể thấy, cây trường sinh dễ trồng, đặc biệt phát triển nhanh vào mùa Xuân hoặc mùa Hè. Tuy nhiên, nếu gia đình bạn có nuôi thú cưng như chó, mèo, hãy đảm bảo chúng tránh xa loài cây này nhé.

Cây trường sinh được yêu thích trong trang trí nội thất

3. CÂY LƯỠI HỔ

Cái tên “cây lưỡi hổ” được bắt nguồn từ hình dáng nhọn, dài, có sọc trắng giống như lưỡi hổ của loài thực vật này. Cây lưỡi hổ được biết đến với sức sống mạnh mẽ, khả năng sinh tồn tốt… thích hợp với những gia chủ bận rộn, không có thời gian chăm sóc cây cảnh. Cây lưỡi hổ có khả năng tạo ra oxy và hấp thụ carbon dioxide ngay cả trong điều kiện thiếu sáng và ban đêm. Nó còn loại bỏ các chất độc hại tương tự như benzen, xylene khỏi không khí. Dù vậy, cây lưỡi hổ có thể gây nguy hiểm cho chó, mèo nếu chúng chẳng may ăn phải. Để bắt đầu chăm sóc cây lưỡi hổ, hãy trồng chúng trong hỗn hợp đất khô thoáng, thoát nước tốt và duy trì tưới nước 1 lần/tuần. Cây lưỡi hổ có thể sống sót trong nhiều điều kiện ánh sáng khác nhau, nhiệt độ lý tưởng là 21 đến 32 độ C  – thích hợp với khí hậu tại Việt Nam. Ngoài ra, đây cũng là giống cây sợ lạnh, bạn cần lưu ý duy trì, cân bằng không khí trong nhà khi nuôi trồng cây lưỡi hổ.

Cây lưỡi hổ khỏe mạnh, dễ chăm sóc

4. CÂY TRẦU BÀ VÀNG

Cây trầu bà là một trong những loại cây thanh lọc không khí hiệu quả nhất. Đây cũng là giống cây khỏe mạnh, không cần quá nhiều sự chăm sóc. Cùng họ với cây thường xuân, trầu bà thích hợp sống ở nơi có khí hậu nhiệt đới, ưa ấm áp, nhiệt độ từ 18 đến 24 độ C, ánh sáng mặt trời gián tiếp, dịu nhẹ. Chúng cũng không cần được tưới nước quá nhiều. Để cây tươi tốt hơn, bạn có thể bón phân vào đất 1 lần/tháng vào mùa Hè và mùa Xuân. Nhờ đặc điểm không cần quá nhiều ánh sáng, cây trầu bà là lựa chọn tuyệt vời để bạn trang trí phòng đọc sách, phòng làm việc, phòng tắm… của gia đình. Chúng hấp thụ các chất ô nhiễm không khí có hại, giữ cho không khí thoáng đãng, trong lành. Cũng như những loài cây ở trên, bạn nên chú ý để cây trầu bà tránh xa khỏi vật nuôi nhé.

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *